Thời gian qua, các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí là giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cả về cung và cầu, góp phần khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung. Pháp luật về thuế hiện hành đã có nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Ưu đãi thuế, phí ở mức cao
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai từ trước tới nay trên toàn quốc đã hoàn thành 301 và đang triển khai là 401. Kết quả này góp phần hỗ trợ hàng trăm ngàn hộ gia đình có nhà ở và có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được kỳ vọng cũng như mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ở góc độ chính sách tài chính, thời gian qua Bộ Tài chính đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính, trong đó có pháp luật về thuế, phí và lệ phí nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội. Theo đánh giá, các ưu đãi về chính sách thuế, phí, lệ phí là giải pháp hỗ trợ của Nhà nước cả về cung và cầu, góp phần thu hút đầu tư phát triển trong lĩnh vực nhà ở nói chung, khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào phát triển nhà ở xã hội, tăng nguồn cung; góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội. Pháp luật về thuế hiện hành đã có nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, đối với chính sách thuế GTGT hiện hành, quy định từ 1/7/2013 áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội (giảm 5% so với mức thuế suất 10% trước đó, và đây cũng là mức thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất phổ thông 10%). Bên cạnh đó, theo hướng dẫn của Thông tư số 219/2013/TT-BTC, thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ. Như vậy, chính sách thuế GTGT đã có ưu đãi đối với nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Chính sách thuế TNDN hiện hành đã có quy định về ưu đãi ở mức cao đối với dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động trong và ngoài khu công nghiệp nhằm khuyến khích nhà đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội cũng như khuyến khích DN xây dựng nhà và cho người lao động ở miễn phí. Cụ thể, Luật thuế TNDN hiện hành quy định ưu đãi nhằm khuyến khích DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, trong đó thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với các đối tượng quy định được áp dụng thuế suất 10%. Đây là mức thuế suất ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế TNDN (pháp luật thuế TNDN hiện hành chỉ có các mức thuế suất ưu đãi 10%, 15% và 17%). Ngoài ra, các tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại DN như nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, thư viện, nhà trẻ, khu thể thao và các thiết bị... được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Đối với cá nhân người lao động cũng không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN khoản lợi ích về nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó”.
Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành cũng có các quy định cụ thể về ưu đãi miễn, giảm thuế ở mức cao nhất đối với các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo quy định của Luật đầu tư thì xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư, do vậy, DN có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư sẽ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế ở mức cao nhất.
Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Mặt khác, theo Bộ Tài chính, chính sách lệ phí trước bạ hiện hành cũng quy định miễn cho các trường hợp đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng nhà để chuyển nhượng, bao gồm cả trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng nhà để chuyển nhượng; nhà, đất được bồi thường, tái định cư (kể cả nhà, đất mua bằng tiền được bồi thường, hỗ trợ) khi Nhà nước thu hồi nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Tăng mức điều tiết với đất
Xuất phát từ thực hiện triển khai các hỗ trợ về tài chính đối với các dự án phát triển nhà ở xã hội, để tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí liên quan đến nhà ở xã hội nhằm thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần làm đòn bẩy phát triển thị trường nhà ở xã hội ổn định và bền vững, Bộ Tài chính đang triển khai một số giải pháp về hoàn thiện thể chế.
Theo đó, thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 2114/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đang trong quá trình tổng kết, đánh giá các luật thuế để nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế đối với bất động sản theo hướng tăng mức điều tiết đối với đất và bổ sung thuế đối với nhà nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho NSNN, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thông lệ quốc tế.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
----