Nghiên cứu điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ thiết yếu

27/03/2023, 07:59

Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá quý I/2023 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2023 diễn ra ngày 24/3.

Thị trường hàng hóa tương đối ổn định

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong quý I/2023, thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Do tác động của giá cả thế giới, giá của một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lóng có diễn biến tăng giảm đan xen, giá vật liệu xây dựng tăng trong quý I/2023… 

Mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, lo ngại áp lực lạm phát có thể ảnh hưởng đến thu nhập và người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, song thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn được kỳ vọng đang trên đà hồi phục với mức tăng trưởng tốt sau thời gian chững lại do dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 2 tháng đầu năm 2023 đạt 994.152,6 tỷ đồng, tăng 13%.

Thực hiện các giải pháp tài khóa theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30/1/2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định cũng như ban hành theo thẩm quyền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế.

Tiếp nối các chính sách thực hiện trong năm 2022, tổng số miễn, giảm lũy kế đến tháng 1/2023 ước khoảng 52.623 tỷ đồng, bằng 82,2% số dự kiến xây dựng chương trình (64 nghìn tỷ).

Trước tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới tăng cao đột biến, để kiểm soát giá cả, giảm bớt khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn. Lũy kế thực hiện các chính sách này đến tháng 1/2023 ước khoảng 33.877 tỷ đồng.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN năm 2023 trình cấp có thẩm quyền ban hành do các chính sách miễn, giảm và gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí đã ban hành có phạm vi thực hiện chủ yếu trong năm 2022.

Báo cáo cũng phân tích chi tiết công tác điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, giá dịch vụ vận tải, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, nông sản, dịch vụ khám chữa bệnh, giá thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…

Trên cơ sở dự báo những yếu tố gây áp lực, giảm áp lực lên mặt bằng giá, báo cáo xây dựng 3 kịch bản điều hành giá quý II năm 2023 và các tháng còn lại của năm 2023, qua đó kiến nghị các giải pháp điều hành giá trong thời gian tới.

Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ DN

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo bày tỏ thống nhất với nội dung báo cáo đồng thời làm rõ thêm một số kết quả, cũng như giải pháp điều hành giá trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao Bộ Tài chính-cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trong việc xây dựng báo cáo trung tâm được hầu hết các ý kiến đồng tình, đồng thời đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến bổ sung hợp lý, xác đáng để hoàn thiện báo cáo. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo tiếp tục điều hành, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý giá trong thời gian tới. 

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, dù chúng ta không nằm trong nhóm nước có chỉ số CPI cao, nhưng tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, ảnh hưởng tới nguồn cung nguyên vật liệu và đầu ra của hàng hóa. 

Ở trong nước, DN tuy đã phục hồi, nhưng vẫn còn khó khăn. Do đó trong công tác quản lý, điều hành giá thời gian tới, các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Bộ Tài chính chủ động nắm bắt tình hình thực tiễn, sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả với các bất ổn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài chính trên cơ sở 3 kịch bản điều hành giá thời gian tới, tiếp tục phối hợp với các bộ ngành rà soát, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tham số đầu vào, đầu ra sao cho thật sát với tình hình thực tế để hoàn thiện các kịch bản điều hành giá trong thời gian tới, sẵn sàng các biện pháp để ứng phó hiệu quả nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ cho DN sản xuất kinh doanh, nhất là các giải pháp liên quan đến thuế, phí, thanh toán đầu tư công…

Đồng thời tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề hoàn thiện Luật Giá, bảo đảm quản lý giá theo cơ chế thị trường, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước, có phân công, phân cấp rõ ràng.

Đối với mặt hàng thiết yếu cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm về các mặt hàng lương thực, thực phẩm; nắm bắt dự báo tình hình thế giới, chủ động nguồn cung xăng dầu cho đời sống và sản xuất kinh doanh. 

Đối với một số mặt hàng, dịch vụ như giá điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu… Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các bộ ngành nghiên cứu kỹ tình hình thực tế, đánh giá cặn kẽ các yếu tố tác động để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh với mức độ và thời điểm phù hợp.

Nguồn: www.thuenhanuoc.vn

---

Ý kiến của bạn