GIẢI PHÁP PHỤC HỒI THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

07/12/2021, 08:21

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là các chủ thể của thị trường. Vậy làm sao để phục hồi thị trường lao động trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”? ...

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết ngoài  thực hiện các chính sách đã có hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn, sẽ tiếp tục ban hành và triển khai một số chính sách, giải pháp mới.

Thưa ông, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực đến thị trường lao động, nhất là tới các chủ thể của thị trường. Ở góc độ cơ quan quản lý lĩnh vực lao động, ông đánh giá thế nào về những “thiệt hại” do tác động này gây ra?

Từ đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động của thị trường lao động. Hàng chục triệu người lao động lâm vào hoàn cảnh khó khăn do tiền lương bị giảm, thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao.

Nhiều chủ sử dụng lao động lâm vào tình cảnh nợ nần, phá sản... Nguồn cung cho thị trường lao động bị suy giảm, cơ cấu việc làm và chuyển dịch trong thị trường bị đảo chiều. Thị trường lao động bị chia cắt cục bộ giữa các vùng, các địa phương, làm mất cân đối cung cầu lao động cục bộ, gây ra áp lực về giải quyết việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, tác động của dịch Covid-19 còn làm gia tăng khoảng cách về kỹ năng của người lao động hiện tại và các kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi về công nghệ và thị trường.

Còn về “thiệt hại”, trong quý III/2021, có tới 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh; trên 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng rất nặng nề với 4,59% lao động vùng Đông Nam Bộ và 44,7% lao động vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do ngừng việc, giãn việc, nghỉ việc.

Trong quý này, lực lượng lao động có 49,1 triệu lượt người, giảm 22 triệu lượt người so với cùng kỳ năm 2020; lao động việc làm là 47,2 triệu người, giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, năm 2021, số lượng lao động giảm việc làm rất trầm trọng.

Dịch bệnh đã làm cơ cấu việc làm thay đổi, trước đây, số việc làm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản giảm, lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp tăng, nhưng trong đợt này đã đảo chiều ngược lại.

Lao động trong ngành dịch vụ giảm 2-3 triệu người so với cùng kỳ năm trước, nay còn khoản 17,1 triệu người; lao động có việc làm ngành công nghiệp và xây dựng là 15,7 triệu người, giảm 960.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý III/2021, tỷ lệ thiếu việc làm là 4,46% (hơn 1,8 triệu người), tăng 1,86% so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,98% (hơn 1,7 triệu người), tăng hơn 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách (nghị quyết) để hỗ trợ các chủ thể của thị trường lao động. Kết quả của việc thực hiện những chính sách đó trong thực tế như thế nào, thưa ông?

Để giảm bớt khó khăn cho người lao động, người sử dụng lao động do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nhanh chóng ban hành và triển khai một số chính sách hỗ trợ cho họ.

Đó là: Nghị quyết 68 (ngày 1/7/2021), khi đưa vào triển khai thực hiện đã gặp một số vướng mắc nên Chính phủ đã tiếp tục sửa đổi bổ sung Nghị quyết này thành Nghị quyết 126 (ngày 8/10/2021); Nghị quyết 116 (ngày 24/9/2021) về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Những chính sách ban hành đó nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng, tác động bởi đại dịch, cũng như những ngành, nghề bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Về kết quả thực hiện các Nghị quyết trên, tính đến thời điểm hiện nay, tổng kinh phí thực hiện là 27,24 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng. Trong đó có 3 nhóm chính sách chính:

Một là, nhóm bảo hiểm: đã hỗ trợ 5,38 nghìn tỷ đồng cho 375.809 đơn vị sử dụng lao động và 11,389 triệu người lao động.

Hai là, nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền: đã hỗ trợ cho hơn 15,64 triệu đối tượng với tổng kinh phí là 21,11 nghìn tỷ động; trên 13,35 triệu người lao động tự do và đối tượng đặc thù khác tại 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 17,14 nghìn tỷ đồng.

Ba là, nhóm chính sách cho vay vốn: đã giải ngân 479,5 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.449 doanh nghiệp để trả lương cho 209.280 lượt người lao động.

Theo Nghị quyết 116, tính đến nay đã hỗ trợ bằng tiền cho 11,365 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 27,230 tỷ đồng (gói này dự kiến hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng); giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với 9,68 triệu lao động với số tiền tạm tính điều chỉnh giảm đóng là 7.595 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành chính sách (Theo Nghị quyết phải hoàn thành trước ngày 31/12/2021).

Thưa ông, tác động của đại dịch Covid-19 đã cho thấy nguy cơ thiếu lao động sẽ rất lớn khi chúng ta thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có giải pháp, chính sách gì để khôi phục thị trường lao động thời gian tới?

Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chúng tôi đang dự thảo chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động với những cơ chế chính sách tập trung vào 7 nhóm giải pháp lớn:

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp người lao động: giúp chi trả chi phí đi lại, nhu yếu phẩm, tiền điện, tiền nước, chi phí xét nghiệm…

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng người lao động, cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh. Một số nơi thiếu lao động, biện pháp này hỗ trợ bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp.

Thứ tư, hỗ trợ kết nối cung cầu lao động: hai bên có cung hoặc có cầu nhưng đôi khi không gặp nhau, chúng ta giúp cho việc kết nối này nhanh hơn.

Thứ năm, hoàn thiện bền vững thị trường lao động: hiện đại hóa thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm, có kết nối chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia của Bộ Công an.

Thứ sáu, bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động.

Thứ bảy, xây dựng quan hệ giữa người lao động hài hòa, tiến bộ.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình khá lớn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trình Chính phủ. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ nghiên cứu để bố trí kinh phí làm sao cho đủ để thực hiện nhóm 7 giải pháp này.

Ngoài ngân sách Trung ương, chúng ta cần huy động ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa.

Hiện nay chúng ta đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhưng trước hết là người lao động phải được an toàn, sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất. Chúng ta phải thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp khó khăn, theo các Nghị quyết đã ban hành.

Đồng thời sẽ tiếp tục ban hành và triển khai một số chính sách, giải pháp mới để hỗ trợ các đối tượng từ người sử dụng lao động, doanh nghiệp cho đến người lao động. Có như vậy chúng ta sẽ hóa giải nguy cơ thiếu hụt lao động, nhất là dịp cuối năm, Tết đến.

Nguồn sưu tầm: Lý Hà.12/2021," Giải Pháp Phục Hồi Thị Trường Lao Động", https://vneconomy.vn

Sưu tầm và biên tập: WinWin Audit 

---------

Về chúng tôi

Công ty TNHH Kiểm toán Win Win (“Win Win Audit”) được thành lập vào ngày 07 tháng 05 năm 2010 là một trong những doanh nghiệp kiểm toán quy mô lớn tại Việt Nam. Kiểm toán Win Win được sáng lập bởi các kiểm toán viên công chứng nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam trong các lĩnh vực kiểm toán, kế toán và tư vấn thuế. Đội ngũ nhân sự trẻ của chúng tôi có năng lực, trình độ chuyên môn cao và nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc đã và đang tiếp tục được xây dựng và lớn mạnh. Những nền tảng lợi thế này không những giúp Kiểm toán Win Win có thể cung cấp các dịch vụ đáp ứng yêu cầu tuân thủ ngày càng cao của Việt Nam mà có thể đáp ứng tiêu chí hội tụ ngành nghề của các tổ chức nghề nghiệp lớn trên thế giới. Chúng tôi tự tin có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Với thông điệp gắn liền với sứ mệnh của Win Win Audit, chúng tôi hy vọng có thể mang lại nhiều giá trị quý giá cho khách hàng qua những lần hợp tác.

"Win Win Luôn Hướng Đến Sự Cẩn Trọng, Tính Minh Bạch Và Nhiệt Huyết Khi Làm Việc Để Nhận Được Sự Tín Nhiệm Từ Quý Khách Hàng.”

 

Ý kiến của bạn