Đề nghị áp dụng và kết nối dữ liệu hóa đơn điện tử là điều kiện để được phép kinh doanh xăng dầu

06/02/2023, 08:45

Để góp phần phòng chống gian lận thương mại, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chống thất thu NSNN, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định việc thực hiện hóa đơn điện tử (HĐĐT) và kết nối dữ liệu HĐĐT các cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để được phép kinh doanh xăng dầu; đồng thời với việc xem xét có lộ trình áp dụng với tất cả các DN kinh doanh xăng dầu.

Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Trong đó có nội dung, thời điểm lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022.

Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, góp phần phòng, chống gian lận thương mại, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng và chống thất thu NSNN, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Công thương phối hợp nghiên cứu bổ sung quy định thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT giữa các cửa hàng, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế. Đây là một trong những điều kiện để DN được phép kinh doanh xăng dầu tại nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/09/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, nội dung này chưa được tiếp thu tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP.

Do đó, đối với nội dung liên quan đến HĐĐT của hoạt động kinh doanh xăng dầu, tại công văn góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương tiếp tục bổ sung quy định này như đề xuất tại Công văn số 1686/BTC-QLG ngày 26/12/2022. Theo đó, nghiên cứu bổ sung quy định việc thực hiện HĐĐT và kết nối dữ liệu HĐĐT các cửa hàng xăng dầu, cơ sở sản xuất kinh doanh xăng dầu với cơ quan thuế là một trong những điều kiện để DN được phép kinh doanh xăng dầu tại nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP; đồng thời với việc xem xét có lộ trình thực hiện để áp dụng với tất cả các DN kinh doanh xăng dầu.

Trước đó, chủ trương dùng HĐĐT và kết nối dữ liệu trong kinh doanh xăng dầu đã được Tổng cục Thuế triển khai thí điểm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Lộ trình áp dụng được chia làm 3 giai đoạn, từ 1/1/2018 áp dụng tại Công ty mẹ Tập đoàn và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình; từ 1/2/2018 áp dụng tại Công ty Xăng dầu B12 và Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ; từ 1/4/2018, áp dụng trong toàn hệ thống Petrolimex.

Các chuyên gia cho biết, áp dụng HĐĐT trong hoạt động kinh doanh xăng dầu là vô cùng cần thiết, vừa giúp tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với DN kinh doanh mặt hàng này và chống thất thu thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc sử dụng HĐĐT trong lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ xăng dầu là hướng đi thích hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển của văn minh thương mại thế giới.

Đồng thời, việc áp dụng HĐĐT trong hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cũng sẽ hạn chế tình trạng mua bán xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng và ngăn chặn hiệu quả việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đặc biệt, khi triển khai HĐĐT, cả cơ quan quản lý thuế và DN đều có thể truy cập nhanh chóng vào Cổng thông tin xăng dầu của DN để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra, giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối chiếu số liệu.

Trong bối cảnh việc áp dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu chưa thể triển khai đồng bộ trên cả nước, một trong những giải pháp ngành Thuế đã triển khai là phối hợp với các ngành chức năng dán tem niêm phong kẹp chì đồng hồ tổng trên các cột xăng dầu. Việc dán tem tại các cột xăng nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm thất thu thuế NSNN. Sau thời gian triển khai dán tem tại các cột xăng dầu, tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu bước đầu cơ bản được kiểm soát.  

Tuy nhiên, đây chưa là giải pháp hoàn hảo cho sự minh bạch, vì vậy ngành Thuế đã nỗ lực nghiên cứu và thí điểm áp dụng HĐĐT vào mua bán xăng, dầu trước khi bắt buộc áp dụng HĐĐT theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, HĐĐT được áp dụng trên cả nước kể từ ngày 1/7/2022.   

Nguồn: www.thuenhanuoc.vn

----

Ý kiến của bạn