Sáng 1.12, Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo Thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, học giả nhận định Bình Dương là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết dịch bệnh Covid-19 đã làm sụt giảm các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh; số ca mắc mới gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch trở lại khá cao lại thêm biến chủng mới Omicron. Trong bối cảnh đó, Bình Dương vẫn tiếp tục vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
GS Trần Ngọc Anh, ĐH Indiana (Mỹ), đề xuất một số sáng kiến cụ thể cho Bình Dương như xây dựng quản trị thực thi, cải thiện môi trường kinh doanh. Còn ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC, lại cho rằng cần đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các tuyến đường huyết mạch, kết nối giao thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm. Theo TS Huỳnh Thế Du (Trường ĐH Fulbright và ĐH Indiana), Bình Dương cần phải tìm được chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 nhằm thích ứng sau đại dịch Covid-19 và phải tránh được xu hướng “lụi tàn” mà nhiều địa phương trên thế giới đã phải trải qua.
Cụ thể hơn, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock, ĐH Sydney (Úc), nêu một số vấn đề cơ bản để Bình Dương thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19 để phát triển kinh tế xã hội như: Cần tiêm đúng cho nhóm nguy cơ tử vong cao, có kế hoạch tiêm nhắc lại trong nhiều năm; không hạn chế các hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng các kịch bản điều trị, cho nhập viện với những trường hợp có nguy cơ bệnh nặng cao và nâng cao năng lực y tế cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác điều trị từ xa.
“Các loại vắc xin hiện nay vẫn còn có hiệu quả một phần đối với chủng mới Omicron mặc dù không cao. Vì thế, phải có phương án, kế hoạch chuẩn bị ứng phó với chủng mới Omicron, không chủ quan nhưng cũng không nên phản ứng quá mức cần thiết. Chủng mới lây lan nhanh nhưng độc lực thấp…”, TS Nguyễn Thu Anh nói. Cũng theo bà, Bình Dương phải cập nhật hằng giờ thông tin về diễn biến tình hình trên thế giới, tình hình vắc xin để ứng phó với dịch.
TS Lê Đặng Trung, Tổng giám đốc Công ty Real-Time Analytics, cho rằng bài toán trong chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, để phục hồi sản xuất là cần phải mở cửa nền kinh tế và thích nghi an toàn với dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân kịp thời kết nối việc làm, thị trường lao động; Hỗ trợ phục hồi và phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Chuyện phải làm
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, cho rằng chuyển đổi số và quản lý đô thị thông minh là chuyện phải làm, không phải cho riêng Bình Dương. Ai biết áp dụng các công nghệ quản lý tiên tiến và hiệu quả nhất, sớm nhất thì người đó sẽ có lợi thế cạnh tranh. Vì thế, Bình Dương đã có khởi động sớm hơn về mặt này so với nhiều địa phương khác, và cần đeo bám tập trung đầu tư thật tích cực, thật quyết liệt, với các mục tiêu và kết quả chủ yếu được xác định rõ ràng ngay từ đầu để tránh lạc lối, phí phạm và không hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, thông tin sản xuất ở Bình Dương đang phục hồi, nhưng còn rất khó khăn, chi phí cho phòng chống dịch khá lớn. Trong khi các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế còn chưa kịp phát huy, hoặc đang soạn thảo và có độ trễ nhất định. Ông Lợi đề nghị T.Ư cần có chính sách cho cả vùng kinh tế và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giúp cho Bình Dương xây dựng tầm nhìn chiến lược đến năm 2030, quy hoạch thích hợp; đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện đối với đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở Bình Dương.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chia sẻ Bình Dương bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng chính trong đại dịch đó Bình Dương đã vươn lên. Hội thảo là sự hỗ trợ để Bình Dương phục hồi, phát triển, đồng thời sẽ tiếp thu, tổng hợp, biên tập những ý kiến đóng góp để có kiến nghị cụ thể với T.Ư.
Nguồn sưu tầm: Đỗ Trường," Bình Dương tìm giải pháp phục hồi kinh tế", https://thanhnien.vn
Sưu tầm và biên tập: Win Win Audit
---------------
Về chúng tôi
Công ty TNHH Kiểm toán Win Win (“Win Win Audit”) được thành lập vào ngày 07 tháng 05 năm 2010 là một trong những doanh nghiệp kiểm toán quy mô lớn tại Việt Nam. Kiểm toán Win Win được sáng lập bởi các kiểm toán viên công chứng nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam trong các lĩnh vực kiểm toán, kế toán và tư vấn thuế. Đội ngũ nhân sự trẻ của chúng tôi có năng lực, trình độ chuyên môn cao và nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc đã và đang tiếp tục được xây dựng và lớn mạnh. Những nền tảng lợi thế này không những giúp Kiểm toán Win Win có thể cung cấp các dịch vụ đáp ứng yêu cầu tuân thủ ngày càng cao của Việt Nam mà có thể đáp ứng tiêu chí hội tụ ngành nghề của các tổ chức nghề nghiệp lớn trên thế giới. Chúng tôi tự tin có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Với thông điệp gắn liền với sứ mệnh của Win Win Audit, chúng tôi hy vọng có thể mang lại nhiều giá trị quý giá cho khách hàng qua những lần hợp tác.
"Win Win Luôn Hướng Đến Sự Cẩn Trọng, Tính Minh Bạch Và Nhiệt Huyết Khi Làm Việc Để Nhận Được Sự Tín Nhiệm Từ Quý Khách Hàng.”