Sửa Luật Giá là cần thiết
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giá để khắc phục bất cập, hạn chế của luật hiện hành, khắc phục việc phân tán, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá. Đồng thời, đảm bảo khả thi, không gây vướng mắc, tạo kẽ hở, khoảng trống pháp luật trong việc quản lý giá, đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế và hoạt động của các cơ quan, đơn vị.
Góp ý vào nội dung dự thảo, đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBHQ tỉnh Thái Bình cho rằng, các nội dung quy định tại Luật Giá (sửa đổi) đã khắc phục được bất cập, hạn chế của Luật Giá năm 2012. Về phạm vi sửa đổi, đại biểu cho rằng, vấn đề quản lý giá đã được đề cập chủ yếu ở luật này, song trên thực tế, nhiều đạo luật khác cũng quy định các nội dung về quản lý giá như lĩnh vực đất đai, y tế, đấu thầu, xây dựng. Vì vậy đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị ban soạn thảo xác định rõ giới hạn, phạm vi điều chỉnh của luật, mối quan hệ với các luật có liên quan.
Trao đổi về vấn đề kê khai giá, theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, để xác định đúng giá cả cũng như có cơ sở để quản lý giá thì phải có cơ sở dữ liệu đầu vào. Do vậy, việc kê khai giá là một công việc vô cùng quan trọng. Đại biểu đề nghị có 2 đối tượng phải thực hiện kê khai gồm những DN sản xuất lần đầu tiên đưa sản phẩm vào thị trường và những DN nhập khẩu lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa vào thị trường để tiêu thụ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, đối với sách giáo khoa, dự thảo luật chỉ quy định giá tối đa, không quy định giá tối thiểu dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh. Để không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa mà Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định, đồng thời để chống độc quyền trong lĩnh vực này, đại biểu đề nghị quy định khung giá bao gồm giá tối đa, giá tối thiểu. Quy định này nhất quán với quy định tại khoản 2, Điều 8 dự thảo luật về quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, quyết định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh mà nhà nước quy định khung giá tối đa, giá tối thiểu.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các nội dung như nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước, các hành vi bị cấm, quy định công khai thông tin về giá, nội dung quản lý giá, thẩm định giá, thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quy định quản lý nhà nước về giá, tiêu chuẩn của hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, nguyên tắc, các trường hợp và biện pháp bình ổn giá, thực hiện bình ổn giá…
Tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật
Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phát biểu ý kiến làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Liên quan đến vấn đề mối quan hệ giữa Luật Giá và các luật khác, Bộ trưởng cho biết, Luật Giá liên quan đến 21 bộ luật khác. Tại dự thảo, Bộ Tài chính đã đưa ra những quy định nhằm tránh vấn đề chồng chéo, trùng lặp giữa Luật Giá với các quy định của luật khác và xây dựng theo hướng điều chỉnh một cách toàn diện vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về giá.
Về vấn đề thẩm quyền trong quy định quản lý nhà nước về giá, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, sau khi Chính phủ báo cáo thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thay mặt Quốc hội quyết định và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trên thực tiễn thực hiện Luật Giá hiện hành cho thấy, việc bình ổn giá mang tính chất thời điểm, khi hàng hóa, dịch vụ có biến động thất thường, hoặc ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, lợi ích của cá nhân, mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát, do đó thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá giao cho Thường vụ Quốc hội quyết định là phù hợp.
Trao đổi về vấn đề liên quan đến kê khai giá, Bộ trưởng cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường. “Kê khai giá nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có sự thay đổi để đảm bảo vấn đề quản lý nhà nước về giá để không tăng đột biến hoặc lợi dụng chính sách về giá để tạo nên giá đột biến. Chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này” - Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để nghiên cứu. Về hiệp thương giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, kinh nghiệm qua thực hiện Luật Giá hiện hành là không xác định phạm vi mà cho DN hiệp thương, thống nhất với cơ quan nhà nước. Đối với DN thì mong cầu lợi nhuận tối đa, đối với cơ quan nhà nước thì mang tính đại diện, cho nên vấn đề đấu tranh với nhau để đưa đến một mức giá công bằng cũng không được chính xác. Do đó, Bộ trưởng cho rằng, quy định hiệp thương giá chỉ nên để DN với DN còn cơ quan nhà nước là trọng tài. Đối với ý kiến đại biểu đề nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, Bộ trưởng cho biết, ý kiến này có cơ sở và phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và đào tạo, Ủy ban tài chính ngân sách trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để có quy định phù hợp.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn