Chiều ngày 6/11, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã thông tin về giải pháp ngăn chăn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, nhằm tránh thất thu thuế.
Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đặt vấn đề thực tế thời gian qua, việc bán hàng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại với lý do khách hàng không yêu cầu. Việc này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và đã vô tình tiếp tay cho các cơ sở kinh doanh trốn thuế.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu những giải pháp trong thời gian tới để ngăn chặn tình trạng này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện xuất hóa đơn điện tử từ 1/7/2022 trên toàn quốc. Đối với cơ sở kinh doanh nhà ăn, nhà hàng, siêu thị và kinh doanh xăng dầu cũng chỉ đạo yêu cầu xuất hóa đơn điện tử. Đồng thời có hỗ trợ hướng dẫn kết nối máy tính tiền với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Đến nay, trên 50% các siêu thị, nhà hàng và 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đã kết nối với cơ quan thuế. Bộ Tài chính kết nối dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu dân cư. Bộ Tài chính cũng có những giải pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng.
Trả lời đại biểu Hà Đức Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai về kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư công hàng năm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền phê duyệt và quyết toán vốn đầu tư công và dự án đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền ở trung ương giao cho Chính phủ, ở địa phương giao cho Hội đồng nhân dân. Muốn thay đổi thẩm quyền thì phải sửa luật. Bộ Tài chính sẽ xem xét để có kiến nghị về vấn đề này.
Về tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Luật Đầu tư công, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính, nhất là phần về chuẩn bị đầu tư từ chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, giải phóng mặt bằng… Đây là những khâu kéo dài nhất, khiến vốn không giải ngân ứ đọng, gây ra lãng phí.
Do đó cần có giải pháp rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở các khâu này. Trong đó, giải phóng mặt bằng cần tách ra khỏi dự án. Vốn chuẩn bị đầu tư nên cho dùng chi thường xuyên giao địa phương, bộ ngành lập dự án và trên cơ sở đó để có bố trí vốn. Vốn ODA cũng cần có cải cách.
Trả lời vấn đề chậm thoái vốn DN nhà nước của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như DN muốn mua vốn của DN cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng” nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch, do đó không hấp dẫn DN.
Ngoài ra, phương án sử dụng đất thì chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào giá trị DN cần thẩm định giá, các bộ ngành DN chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu với Chính phủ ban hành Quyết định số 17 ngày 15/6/2023 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Theo đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Các thôn nghèo, đặc biệt khó khăn ở trong xã không phải đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng chính sách và nâng mức vốn vay, đảm bảo tiền vay.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
----