Ngày 24/4, tại Hà Nội, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức hội thảo “Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam”.
Sớm bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo và kỳ vọng hội thảo với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia trong và ngoài nước sẽ nêu ra nhiều vấn đề về lý luận và thực tiễn, thực trạng triển khai của các quốc gia trên thế giới, kinh nghiệm của các nước về thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời đề xuất giải pháp chính sách cho Việt Nam.
Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trong 3 năm 2020-2022, tổng số thu thuế TNDN chiếm 18% - 21% tổng số thu ngân sách nội địa, số thu thuế TNDN từ khu vực DN có vốn FDI chiếm khoảng 7,5% - 8,5% tổng số thu ngân sách nội địa, số thu thuế TNDN từ khu vực DN có vốn FDI chiếm khoảng 39% - 41% tổng số thu thuế TNDN.
Như vậy, nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu NSNN về thuế TNDN không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những DN FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu NSNN.
Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập DN bổ sung thì toàn bộ số thu được ưu đãi cho các DN hiện tại sẽ được các nước phát triển có DN đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.
Mặt khác, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đối với những DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu và có công ty con ở nước khác có số thuế TNDN thực tế thấp hơn mức tối thiểu thì sẽ thu thêm được thuế TNDN từ những DN này, từ đó tăng thu NSNN.
Đề xuất giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của thuế thuế tối thiểu toàn cầu, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, ban hành chính sách về thuế thu nhập DN theo quy định về thuế thuế tối thiểu toàn cầu để các DN này nộp phần chênh lệch giữa thuế thu nhập DN thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Trước mắt có khoảng 90 tập đoàn chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, cần bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng tại Việt Nam theo hướng quy định về thuế thu nhập DN theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15% - theo quy định của OECD) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước có FDI vào Việt Nam (áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024) và áp dụng từ ngày 1/1/2024.
Cùng với đó, quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR), để áp dụng đối với các DN Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các DN khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).
Đồng thời, để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh lưu ý, Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.
Cần đánh giá tổng thể hệ thống ưu đãi đầu tư
Hội thảo cũng được nghe những ý kiến trao đổi của các chuyên gia quốc tế. Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk, các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, DN không coi ưu đãi thuế là lý do chính để chọn địa điểm đầu tư. Thay vào đó, môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mới là yếu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư FDI.
Do vậy, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, nhân cơ hội triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng quan điểm tổng thể hơn về thu hút vốn đầu tư với đầu tư trong nước và nước ngoài, để đạt hiệu quả như mong muốn.
Các chuyên gia của OECD, WB cũng nhấn mạnh quan điểm Việt Nam cần hành động ngay để không bỏ qua các khoản thu thuế quan trọng, đi đôi với việc cải cách hệ thống thuế và thực thi chính sách ưu đãi đầu tư mới dựa trên các nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để giữ chân và thu hút dòng vốn FDI.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Vân Chi đánh giá các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết phải nội luật hoá các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Đặc biệt là trước mắt cần đưa vào áp dụng thuế nội địa bổ sung tối thiểu đạt chuẩn tại Việt Nam với hiệu lực áp dụng cho năm 2024, để kịp thời đồng hành cùng các DN FDI đang hoạt động hiện nay thuộc diện điều chỉnh của thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra, đối với môi trường đầu tư cho Việt Nam, tới đây khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, hệ thống ưu đãi đầu tư của Việt Nam hiện nay cần được rà soát, đánh giá lại một cách tổng thể để có các điều chỉnh, cải cách phù hợp.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
----