Sửa luật thuế GTGT: Đề xuất thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT 5%

25/02/2023, 08:28

Nhằm mở rộng cơ sở thu thuế, bổ sung một số quy định để chống gian lận và thất thu thuế GTGT, bảo đảm thu đúng, đủ vào NSNN, Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế GTGT sửa đổi. Một trong những nội dung đáng chú ý của đề nghị đó là thu hẹp đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế 5%.

Theo Bộ Tài chính, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn, khuyến khích DN, cá nhân và tổ chức khác đầu tư sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp thông lệ quốc tế, cũng như đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN. Mặc dù vậy, tình hình kinh tế xã hội ngày càng phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi các nội dung liên quan đến việc thu hẹp đối tượng không chịu thuế; sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT cho phù hợp thực tế; thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% theo định hướng tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế; điều chỉnh mức tăng thuế suất phổ thông (10%); sửa đổi quy định giá tính thuế GTGT; khấu trừ thuế GTGT…Cụ thể, đối với sửa đổi chính sách mở rộng cơ sở thuế, Bộ Tài chính đề xuất thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT và đối tượng chịu thuế GTGT 5%.

Mục tiêu của đề xuất này là nhằm bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững trong quá trình cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công. Đồng thời, mở rộng cơ sở thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế thông qua giảm bớt số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ đang thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT ở mức thuế suất 5%. Góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất trong nước, bảo đảm hàng hóa sản xuất trong nước cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa nhập khẩu cùng loại; phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia hội nhập quốc tế.

Theo Bộ Tài chính, thực tế cho thấy một số DN sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp (phân bón, máy móc, tàu đánh bắt xa bờ…) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gặp khó khăn do không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, làm bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Vì thế không khuyến khích được DN đầu tư, mua sắm, sửa chữa nâng cấp tài sản cố định để tạo ra sản phẩm chất lượng cao.

Chưa kể, Luật thuế GTGT hiện hành quy định một số nhóm dịch vụ công ích (dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích, internet phổ cập…) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa và xã hội hóa đang diễn ra, các DN thuộc thành phần kinh tế đều đã tham gia cung cấp các nhóm dịch vụ công này. Việc quy định các dịch vụ công đã được xã hội hóa thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT cho thấy không còn phù hợp vì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên thuế GTGT đầu vào của số vốn đầu tư đưa vào kinh doanh dịch vụ sẽ không được khấu trừ, hoàn thuế đầu vào. Vì vậy, cần thiết sửa đổi thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT đối với dịch vụ công đã được xã  hội hóa.

Riêng với đối tượng chịu thuế 5%, Bộ Tài chính cho rằng, đa số các nước châu Á, đặc biệt là ASEAN chỉ áp dụng một mức thuế suất ngoài mức thuế 0%. Để phù hợp với quốc tế và tiến tới áp dụng một mức thuế suất GTGT cần phải thu hẹp đối tượng chịu thuế 5%.

Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 5 để thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT (chuyển một số hàng hóa, dịch vụ sang  đối tượng chịu thuế 5% hoặc 10%); nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Điều 8 Luật thuế GTGT để thu hẹp đối tượng chịu thuế 5% (chuyển một số dịch vụ sang đối tượng chịu thuế 10%).

Nguồn: www.thuenhanuoc.vn

---

Your comment