Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2022-2027 (ACFTA). Theo đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong ACFTA giai đoạn 2022 – 2027 dự kiến vào khoảng 85,4 % số dòng thuế.
Nhằm tiếp tục triển khai cam kết giai đoạn từ năm 2022, tuân thủ Hiệp định hải quan ASEAN liên quan đến việc áp dụng danh mục biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) phiên bản 2022 của ASEAN và danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa phiên bản 2022 của Tổ chức Hải quan thế giới, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển đổi biểu thuế ACFTA từ AHTN 2017 sang AHTN 2022 làm cơ sở ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2022-2027.
Do thay đổi danh mục từ AHTN 2022 sang AHTN 2027, biểu thuế bao gồm 42 dòng hàng ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đối với những dòng hàng này, Bộ Tài chính đã xây dựng thuế suất theo nguyên tắc không làm xói mòn cam kết quốc tế quy định tại tài liệu hướng dẫn chuyển đổi HS trong Ủy ban thực thi Hiệp định ACFTA, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Giai đoạn 2018-2022, việc ban hành Nghị định số153/2017/NĐ-CP đã thực hiện theo đúng lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam theo quy định của Hiệp định ACFTA và theo Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn 5 năm, và góp phần hỗ trợ công tác thống kê hải quan về xuất nhập khẩu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường kinh doanh minh bạch về thuế suất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và cơ quan hải quan trong triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện Nghị định 153/NĐ-CP ngày 27/12/2017 không nảy sinh các vấn đề, bất cập. |
Theo đó, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt cũng thay đổi tương ứng về số dòng thuế và một số mức thuế suất do bị gộp dòng thuế, chuyển mã và mở dòng thuế mới. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện chuyển đổi mức thuế suất quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định số153/2017/NĐ-CP trên cơ sở bảo đảm phù hợp với cam kết của Hiệp định ACFTA. Biểu cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định ACFTA được ký kết trên cơ sở Danh mục mục hàng hóa AHTN 2022.
Danh mục AHTN 2022 đã hoàn thiện gồm 21 phần, 97 chương, 1.228 nhóm ở cấp độ 4 số, 4.084 phân nhóm ở cấp độ 6 số và được chi tiết thành 11.414 dòng hàng ở cấp độ 8 số (tăng 601 dòng hàng so với danh mục AHTN 2017). Các nhóm hàng chính thực hiện tách dòng 10 số khi chuyển đổi biểu thuế ACFTA theo AHTN 2022 là hàng thủy sản, hàng hóa khác, thuốc trừ sâu, linh kiện, phụ tùng ôtô sản phẩm từ sắt, thép và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
Thuế suất ACFTA được xây dựng trên nguyên tắc tuân thủ cam kết theo Lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam quy định tại Hiệp định ACFTA và Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về tổng thể, Biểu thuế ACFTA theo AHTN 2022 giai đoạn 2023-2027 gồm 11.459 dòng thuế, trong đó gồm 11.376 dòng thuế theo cấp độ 8 số và 83 dòng thuế được chi tiết theo cấp độ 10 số. Về danh mục cam kết, theo kết cấu mới của Biểu Nghị định ACFTA, số dòng thuế thuộc các danh mục cam kết theo AHTN 2022 đều tăng hơn so với AHTN 2017, tuy nhiên, xét về tỷ lệ của từng danh mục trên tổng biểu thuế thì hầu như không thay đổi. Trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong ACFTA giai đoạn 2022 –2027 vào khoảng 85,4 % số dòng thuế của Biểu thuế Nghị định.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc ban hành nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định ACFTA giai đoạn 2022 – 2027, thay thế Nghị định số 153/2017/NĐ-CP là cần thiết, đảm bảo tính đồng bộ khi áp dụng Danh mục AHTN 2022 giữa các biểu thuế.
Bộ Tài chính đề xuất biểu thuế áp dụng cho giai đoạn 2022-2027 để phù hợp với thời điểm hiệu lực của Nghị định là từ ngày 1/12/2022; đồng bộ hóa với lộ trình rà soát sửa đổi hệ thống hài hoà mô tả và mã hoá hàng hoá của Tổ chức Hải quan thế giới (danh mục HS) và danh mục Biểu thuế hài hoà ASEAN (AHTN) định kỳ 5 năm. đảm bảo tính ổn định và dễ theo dõi cho DN.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
----