Ngày 18/2/2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị số 154/CT-KTNN về việc “Tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2022”.
Chỉ thị nêu: Năm 2022 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với Kiểm toán nhà nước (KTNN), năm đầu tiên triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2022-2024, từng bước thực hiện các mục tiêu theo lộ trình Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2022, phương án tổ chức kiểm toán năm 2022, hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2022. Kế hoạch kiểm toán năm 2022 xác định tăng cường kiểm toán để xác nhận quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) hàng năm của các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN; thực hiện kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tập trung tổ chức triển khai các nhiệm vụ mới được Quốc hội giao tại Kỳ họp Quốc hội bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV.
Để thực hiện thắng lợi Kế hoạch kiểm toán năm 2022 trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung sau:
Bám sát Chỉ thị số 312-CT/BTV ngày 07/01/2022 của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN về thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022; Chương trình hành động của KTNN triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán NSNN năm 2022; Chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV của Ban Cán sự đảng KTNN; Phương án tổ chức kiểm toán năm 2022; Hướng dẫn mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu năm 2022 và các Đề cương, hướng dẫn kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành. Trong đó, đặc biệt chú ý ưu tiên nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, phục vụ các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng; đẩy mạnh kiểm toán tổng hợp nhằm đánh giá sâu và toàn diện công tác quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị, cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách để kiến nghị hoàn thiện, khắc phục lỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách.
Theo dõi, bám sát tình hình, diễn biến dịch Covid-19 để triển khai Phương án tổ chức kiểm toán năm 2022 đảm bảo linh hoạt, an toàn và hiệu quả; chấp hành nghiêm các Chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan chức năng và địa phương về phòng, chống dịch Covid-19. Các đơn vị chủ động, linh hoạt trong tổ chức xét duyệt dự thảo Kế hoạch kiểm toán, dự thảo Báo cáo kiểm toán (BCKT) và thông qua dự thảo BCKT với đơn vị được kiểm toán phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19, báo cáo Lãnh đạo KTNN phụ trách quyết định.
Các Đoàn kiểm toán, các thành viên của Đoàn kiểm toán phải chấp hành nghiêm và tuân thủ đầy đủ quy định của Hệ thống Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi; đưa, nhận, môi giới hối lộ, nhận tiền hỗ trợ dưới mọi hình thức; cố tình bỏ sót thông tin hoặc không báo cáo đầy đủ kết quả kiểm toán; nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với đơn vị được kiểm toán; dùng phương tiện, tài sản của đơn vị được kiểm toán để đáp ứng nhu cầu cá nhân; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán. Không bố trí tham gia Đoàn kiểm toán năm 2022 đối với các trường hợp: Theo quy định tại Điều 8 Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN hoặc có nghi vấn trong hoạt động kiểm toán đang kiểm tra, xác minh; Thời gian tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trùng với thời gian kiểm toán và vượt quá số ngày theo quy định tại tiết c khoản 1 Điều 17 Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn KTNN; Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Kiểm toán viên liên quan trực tiếp đến khiếu nại, kiến nghị của đơn vị được kiểm toán nhưng chưa xử lý dứt điểm, để kéo dài nhiều năm mà không phải do nguyên nhân khách quan. Trường hợp đặc biệt, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, quyết định.
Tăng cường kiểm soát việc xác định phạm vi, giới hạn kiểm toán; công tác kiểm tra, đối chiếu và phối hợp trong hoạt động kiểm toán. Cụ thể:
Về danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán: Thực hiện nghiêm danh mục chi tiết các đầu mối, đơn vị và dự án được kiểm toán tại Thông báo số 1259/TB-KTNN ngày 03/12/2021 của KTNN. Chỉ thay đổi trong trường hợp có sự trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Các trường hợp đặc biệt khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Về giới hạn kiểm toán: Thủ trưởng đơn vị chủ trì kiểm toán chịu trách nhiệm làm rõ nội dung giới hạn trong Kế hoạch kiểm toán tổng quát, nguyên nhân giới hạn và chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo KTNN về các nội dung giới hạn này.
Về kiểm tra, đối chiếu: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 155/QĐ-KTNN ngày 18/02/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành quy định việc kiểm tra, đối chiếu tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán của KTNN.
Về phối hợp trong hoạt động kiểm toán: Đơn vị được giao chủ trì các chủ đề kiểm toán có liên quan đến phạm vi kiểm toán của đơn vị khác, Thủ trưởng đơn vị chủ trì chủ đề kiểm toán phải chủ động trao đổi, phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng các đơn vị có liên quan đến phạm vi kiểm toán từ khâu chỉ đạo khảo sát, thu thập thông tin, lập kế hoạch kiểm toán đến triển khai, tổ chức kiểm toán và thông báo kết quả kiểm toán. Khi tổ chức hội nghị công bố quyết định kiểm toán và thông báo kết luận kiểm toán tại các địa phương (ngoài Hà Nội), Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thông báo, mời đại diện KTNN khu vực phụ trách địa bàn kiểm toán tham dự. Ngoài ra, các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo KTNN và phối hợp chặt chẽ với các Đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ để xử lý chồng chéo, trùng lặp về nội dung và thời gian trong hoạt động kiểm toán, thanh tra.
Nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm toán: Tổ chức thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp theo quy định tại Quyết định số 03/2018/QĐ-KTNN ngày 28/12/2018 của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hướng dẫn về bằng chứng kiểm toán để đảm bảo tính đúng đắn của các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện các vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm toán. Trường hợp liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán phải thu thập đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu có liên quan, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước để báo cáo cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của Đảng.
Thực hiện nghiêm quy định về thời gian phát hành BCKT, cập nhập phần mềm Quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; các Đoàn kiểm toán phải phát hành BCKT trước ngày 31/12/2022 (trừ các Đoàn kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN và bổ sung Kế hoạch kiểm toán năm). Các đơn vị được giao chủ trì, tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề của ngành (theo Phương án tổ chức kiểm toán năm 2022 đã giao) chịu trách nhiệm đôn đốc các đơn vị trong ngành gửi kết quả kiểm toán, kịp thời tổng hợp kết quả kiểm toán chuyên đề đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Các nội dung trên sẽ là tiêu chí để bình xét thi đua cuối năm và xem xét trách nhiệm của Trưởng đoàn, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán.
Về công khai kết quả kiểm toán: BCKT sau khi phát hành được công bố công khai (trừ những nội dung thuộc bí mật Nhà nước) theo quy định tại Điều 50 Luật KTNN và Quyết định số 1562/QĐ-KTNN ngày 08/9/2016 của Tổng Kiểm toán nhà nước. Đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng hoặc đề nghị khen thưởng đột xuất, chậm nhất trong thời gian 30 ngày sau khi BCKT được phát hành, thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán có trách nhiệm đề xuất và biên tập một số nội dung, phát hiện trọng yếu gửi Vụ Tổng hợp để chủ trì, tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét công khai trên Cổng thông tin điện tử của KTNN, Báo Kiểm toán.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN tổ chức thực hiện đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Quyết định số 1934/QĐ-KTNN ngày 17/11/2021 của Tổng Kiểm toán nhà nước.
“Chất lượng kiểm toán và đạo đức công vụ” là chủ đề năm 2022 của toàn ngành KTNN. Các KTNN chuyên ngành, khu vực và các vụ chức năng cần tập trung làm tốt công tác quản lý và kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán từ khâu chuẩn bị kiểm toán, tổ chức thực hiện kiểm toán đến khâu lập và gửi BCKT. Tăng cường kiểm soát trực tiếp kết hợp linh hoạt với kiểm soát qua hồ sơ để không ảnh hưởng nhiều đến Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. Đảm bảo nguồn nhân lực tại đơn vị để thực hiện kiểm soát chất lượng của các Đoàn kiểm toán và thực hiện các công việc khác.
Tổng Kiểm toán nhà nước giao: Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán khẩn trương tổ chức phổ biến, quán triệt để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Tổng Kiểm toán nhà nước nếu để xảy ra vi phạm thuộc thẩm quyền, trách nhiệm quản lý; tổ chức đánh giá, báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thực hiện Chỉ thị khi sơ kết, tổng kết công tác.
Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế căn cứ nội dung Chỉ thị để thực hiện rà soát, thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán, dự thảo BCKT theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
Giao Thanh tra KTNN, Vụ Tổ chức cán bộ căn cứ nội dung tại Chỉ thị để đưa vào nội dung thanh tra trong các cuộc thanh tra thuộc Kế hoạch thanh tra năm 2022 và các cuộc thanh tra đột xuất; xác định nội dung đánh giá, khen thưởng, kỷ luật; xem xét nâng lương; thực hiện luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức của KTNN trong năm 2022.
Giao Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán phối hợp với Trung tâm Tin học và Ban Quản lý dự án CNTT thực hiện kiểm soát và báo cáo kịp thời Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét xử lý đối với các đơn vị không triển khai áp dụng các phần mềm kiểm toán đã ban hành, không cập nhập kết quả kiểm toán, kết quả kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán kịp thời theo quy định.
Giao Vụ Tổ chức cán bộ, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng chương trình tập huấn các Đề cương/Hướng dẫn kiểm toán đã được ban hành, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động kiểm toán.
Giao Báo Kiểm toán chủ động phối hợp với Vụ Tổng hợp và các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để công khai kết quả kiểm toán trong năm 2022 theo yêu cầu tại mục 7 Chỉ thị này.
Giao Văn phòng KTNN (Ban Thi đua - Khen thưởng) và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN phát động, tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua của KTNN và trong phạm vi đơn vị mình quản lý để kịp thời biểu dương các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong thực thi nhiệm vụ kiểm toán năm 2022. Trong đó, KTNN chuyên ngành, khu vực đăng ký tối thiểu 01 Đoàn kiểm toán chất lượng vàng.
Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc KTNN thực hiện nghiêm các quy định tại Chỉ thị. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước cho ý kiến chỉ đạo./
Nguồn: http:// www.sav.gov.vn
----
Về chúng tôi
Công ty TNHH Kiểm toán Win Win (“Win Win Audit”) được thành lập vào ngày 07 tháng 05 năm 2010 là một trong những doanh nghiệp kiểm toán quy mô lớn tại Việt Nam. Kiểm toán Win Win được sáng lập bởi các kiểm toán viên công chứng nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam trong các lĩnh vực kiểm toán, kế toán và tư vấn thuế. Đội ngũ nhân sự trẻ của chúng tôi có năng lực, trình độ chuyên môn cao và nền tảng kiến thức chuyên ngành vững chắc đã và đang tiếp tục được xây dựng và lớn mạnh.
Công ty TNHH Kiểm Toán WinWin là thành viên đầy đủ của Tổ chức Liên minh các công ty dịch vụ chuyên ngành Kế toán-Kiểm toán, tư vấn dịch vụ chuyên nghiệp trên thế giới Alliott Global Alliance (AGA). Những nền tảng lợi thế này không những giúp Kiểm toán Win Win có thể cung cấp các dịch vụ đáp ứng yêu cầu tuân thủ ngày càng cao của Việt Nam mà có thể đáp ứng tiêu chí hội tụ ngành nghề của các tổ chức nghề nghiệp lớn trên thế giới. Chúng tôi tự tin có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Với thông điệp gắn liền với sứ mệnh của Win Win Audit, chúng tôi hy vọng có thể mang lại nhiều giá trị quý giá cho khách hàng qua những lần hợp tác.
"Win Win Luôn Hướng Đến Sự Cẩn Trọng, Tính Minh Bạch Và Nhiệt Huyết Khi Làm Việc Để Nhận Được Sự Tín Nhiệm Từ Quý Khách Hàng.”