Chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, đồ uống có đường ảnh hưởng đến sức khỏe, nên việc đánh thuế TTĐB là biện pháp hiệu quả để giảm sử dụng. Đồng thời, Việt Nam nên cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng đường.
Tăng thuế để giá tăng 20% sẽ làm giảm 20% tiêu thụ
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO cho biết, đường tự do bao gồm monosaccharid (đường đơn, đường glucose) và disaccharid (đường mía) được thêm vào thực phẩm và đồ uống do nhà sản xuất, nấu ăn hoặc người tiêu dùng, và đường hiện diện tự nhiên trong mật ong, xi-rô, nước hoa quả cô đặc. Trong khi đó, đồ uống có đường là một nguồn cung cấp đường chính cho cơ thể. Đồ uống có đường được định nghĩa là “tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do bao gồm nước ngọt có ga hoặc không có ga, chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước hương vị, nước tăng lực và thể thao, trà đóng hộp, cà phê uống sẵn, và sữa có thêm đường ”
Nói về tác hại của tiêu thụ nước ngọt với sức khỏe, bác sĩ Lâm cho biết, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nhanh mức calo trong khẩu phần, vì đánh lừa cảm giác no. Bên cạnh đó, tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ thừa cân và béo phì ở cả người lớn và trẻ em. Sử dụng đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 2. Đồ uống có đường làm tăng nguy cơ sâu răng. Hiện, mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, và tỷ lệ trẻ em và thiếu niên 5-19 tuổi thừa cân ở Việt Nam tăng nhanh
Chính vì vậy, WHO đưa ra khuyến nghị cần phải giảm tiêu thụ đường tự do trong suốt quá trình sống (khuyến nghị mạnh mẽ). Ở cả người lớn và trẻ em, giảm lượng đường tự do ăn vào dưới 10% tổng năng lượng ăn vào hàng ngày, tương đương với 12 thìa cà phê đường. Tốt nhất nên giảm thêm lượng đường tự do ăn vào xuống dưới 5% (6 thìa cà phê đường) tổng năng lượng ăn vào sẽ mang lại lợi ích bổ sung.
Muốn vậy, bác sĩ Lâm cho rằng, thuế TTĐB là biện pháp hiệu quả để làm giảm sử dụng nước ngọt. “Bằng chứng cho thấy việc tăng thuế để giá tăng 20%, sẽ làm giảm 20% tiêu thụ nước ngọt, với điều kiện thuế tăng được chuyển hết vào giá”, bác sĩ Lâm nhấn mạnh.
Hiện có khoảng 85 quốc gia đã áp dụng thuế nước ngọt. Dẫn chứng cụ thể hơn, bác sĩ Lâm cho biết, tại Mexico, trong 2 năm sau khi áp dụng thuế trên đồ uống có đường, các hộ gia đình có ít nguồn lực nhất đã giảm 11,7% mua đồ uống có đường, so với 7,6% ở dân số chung; làm tăng thu thuế thêm 2,6 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2015. Còn tại Hoa Kỳ, ước tính nếu áp thuế thuế trên đồ uống có đường là 1 xu/ounce trong 10 năm sẽ dẫn đến tiết kiệm hơn 17 tỷ USD chi phí chăm sóc sức khỏe; tạo ra 13 tỷ USD doanh thu thuế trong năm 2016.
Do vậy, đại diện của WHO khuyến nghị, Việt Nam nên xem xét áp dụng thuế đồ uống có đường ở mức 20% giá bán lẻ để giảm nguy cơ sức khỏe cho thế hệ tương lai. Đồng thời, cân nhắc đánh thuế theo hàm lượng đường. Tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ đồ uống có đường. Cùng với đó cần có các quy định dán nhãn mặt trước thể hiện hàm lượng đường; nâng cao nhận thức về các lựa chọn đồ uống lành mạnh; giảm tính sẵn có của đồ uống có đường; cấm tiếp thị đồ uống có đường
Hạn chế sử dụng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Tại dự thảo mới nhất về dự án đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu bổ sung các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và hạn chế sử dụng như nước giải khát có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN… Lý giải về nội dung này, cơ quan soạn thảo cho biết, theo Bộ Y tế việc sử dụng nước giải khát có đường đã cho thấy có liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.
Hiện, tỷ lệ thừa cân, béo phì của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 8,5% vào năm 2010 lên 19% vào năm 2021. Theo Viện Dinh dưỡng, thì tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% năm 2016 và tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người năm 2013 là 47,65 lít/người tăng lên 70,56 lít/người năm 2020.
WHO cũng đã chính thức khuyến nghị tới chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào nước giải khát có đường để định hướng tiêu dùng. Các nước đã dần bổ sung nước giải khát có đường và đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo TCVN 12828:2019, nước giải khát bao gồm nước giải khát có ga, nước uống tăng lực, nước uống điện giải, nước uống thể thao, nước giải khát có chứa chè, nước giải hát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa trái cây. Bộ Tài chính đề xuất bổ sung “nước giải khát có đường theo TCVN” vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo đó sẽ loại trừ một số mặt hàng không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng với mục đích dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước hoa quả và nectar rau, quả và sản phẩm từ ca cao.
Bên cạnh đó, để khuyến khích DN sản xuất, nhập khẩu loại nước giải khát có hàm lượng thấp, Bộ tài chính sẽ nghiên cứu quy định cụ thể mức thuế suất TTĐB với nước giải khát theo hàm lượng đường nhất định sau khi dự án Luật được đăng ký vào chương trình xây dựng luật của Quốc hội.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
----