Báo cáo cải cách hành chính (CCHC) 6 tháng đầu năm của Bộ Tài chính cho biết, với 92,4 điểm, thuế là nhóm thủ tục hành chính (TTHC) có điểm số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) cao nhất trong 9 nhóm được khảo sát năm 2021.
TTHC thuế dẫn đầu APCI 2021
Thời gian qua, công tác CCHC luôn được Bộ Tài chính coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và quyết liệt triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, các kết quả đạt được không chỉ trong từng lĩnh vực riêng lẻ, mà giữa các lĩnh vực đã có sự bổ trợ cho nhau, tạo hiệu ứng nâng cao mức độ thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, DN, hỗ trợ mạnh mẽ cho phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước đã giúp chất lượng các hoạt động nghiệp vụ được nâng cao, không còn tình trạng tồn đọng giải quyết hồ sơ, khắc phục hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót không đáng có. Thời gian giải quyết các yêu cầu của người dân, DN cũng được rút ngắn hơn, công khai, minh bạch và luôn đúng quy định của pháp luật.
Các kết quả đạt được trong CCHC của Bộ Tài chính đã được các tổ chức, cộng đồng DN ghi nhận, thể hiện rõ thông qua việc đánh giá các chỉ số cụ thể về cải cách hành chính (Par Index) và APCI. Bộ Tài chính dẫn chứng, vừa qua Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã công bố báo cáo APCI năm 2021, trong đó nhóm TTHC thuế đạt 92,4 điểm, cao nhất trong 9 nhóm TTHC được khảo sát. Điều này cho thấy, những nỗ lực của ngành thuế trong công cuộc cải cách TTHC theo hướng hiện đại hoá, đơn giản hoá đã giúp lĩnh vực thuế luôn dẫn đầu trong số các nhóm TTHC được khảo sát.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, ngành Thuế vẫn duy trì bền bỉ những nỗ lực này và cả những hỗ trợ tích cực đối với DN và người dân. Những hành động cải cách của ngành thuế như áp dụng rộng rãi HĐĐT, nâng cấp hệ thống khai và nộp thuế trực tuyến, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp với các cơ quan, bộ ngành liên quan, đã được cá nhân, tổ chức đánh giá cao” - báo cáo của Bộ Tài chính nhận định.
Nhóm TTHC thuế khảo sát trong năm 2021 bao gồm 3 thủ tục là hoàn thành nghĩa vụ trước khi giải thể đối với DN; khai quyết toán thuế TNDN; khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Theo đánh giá của APCI, DN gần như không mất chi phí trực tiếp khi thực hiện các TTHC thuế. Về thời gian thực hiện, số giờ làm việc trung bình mà mỗi DN trên cả nước phải bỏ ra để thực hiện 1 TTHC thuế là khoảng 5 giờ. Trong đó, Hậu Giang là địa phương có thực tiễn tốt nhất cả nước về chỉ số thành phần thời gian thực hiện nhóm TTHC thuế khi các DN chỉ mất trung bình 2,1 giờ để thực hiện 1 thủ tục về thuế.
Ghi điểm trong hiện đại hóa
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến 31/5/2022, đã có 857.206 DN tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,86% trên tổng số DN đang hoạt động. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận lũy kế từ 1/1/2022 là 10.061.908 hồ sơ.
Về nộp thuế điện tử, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt 98,97%; số DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng đạt 98,66%. Chỉ tính riêng từ 1/1/2021 đến ngày 31/5/2022, các DN đã nộp tiền thuế thông qua 1.786.645 giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền trên 359.708 tỷ đồng và 22.330.282 USD. Trong 5 tháng đầu năm, tổng số DN tham gia thực hiện hoàn thuế đạt 99%; số hồ sơ tiếp nhận đạt 99%; tổng số hồ sơ hệ thống đã hoàn là 6.078 hồ sơ, với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 51.121 tỷ đồng.
Riêng về HĐĐT, 5 tháng đầu năm có 36.082 hóa đơn đã được cấp mã với tổng doanh thu là hơn 2.530 tỷ đồng, số thuế trên hóa đơn đã cấp mã là hơn 214 tỷ đồng. Trong đó, triển khai HĐĐT theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, đến nay trên cả nước đã có 747.335 DN (đạt tỷ lệ 90,7%) và 50.603 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng HĐĐT.
Điều đặc biệt, trong quá trình triển khai, Tổng cục Thuế phối hợp với các đơn vị tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT hoàn thiện giải pháp, kết nối, truyền nhận dữ liệu; thiết kế, xây dựng và triển khai hệ thống HĐĐT tại cơ quan thuế trên nền tảng công nghệ 4.0, hệ thống dữ liệu lớn (Big data) giúp xử lý số lượng lớn giao dịch hóa đơn, linh hoạt và đảm bảo tính an toàn bảo mật... Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số tại các DN, cơ quan tài chính và góp phần thực hiện chính phủ điện tử.
Không chỉ tập trung cho khối DN, ngành Thuế còn chú trọng hiện đại hóa dịch vụ khai, nộp thuế điện tử dành cho cá nhân, bao gồm dịch vụ khai điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (gồm cho thuê nhà), mở rộng dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai của hộ gia đình, cá nhân, dịch vụ nộp thuế điện tử eTax Mobile...
Đáng chú ý, tháng 3 vừa qua Tổng cục Thuế đã công bố, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) và triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile). Theo đó, đã tạo điều kiện cho các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế với cơ quan thuế tại Việt Nam từ bất cứ đâu trên thế giới.
Đồng thời, ứng dụng eTax Mobile đã cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho người nộp thuế là cá nhân, hộ kinh doanh… Đây là những bước tiến mang tính đột phá góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN, cũng như thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy chuyển đổi số trong các DN và các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan thuế.