Những điểm mới của quy trình hoàn thuế theo Quyết định số 679/QĐ-TCT

21/06/2023, 09:57

 Ngày 20/6, Tổng cục Thuế đã tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn quy trình hoàn thuế ban hành theo Quyết định 679/QĐ-TCT (QĐ 679). Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn đã chủ trì hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cho biết, ngày 31/5/2023, Tổng cục Thuế đã ký ban hành (QĐ 679) về việc ban hành Quy trình hoàn thuế thay thế Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 905/QĐ-TCT (QĐ 905) ngày 01/7/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Quy trình này có ảnh hưởng rất lớn đến việc theo dõi, quản lý người nộp thuế thực hiện các thủ tục về hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định và đảm bảo công chức thuế, cơ quan thuế thực thi đúng nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị tập huấn và triển khai Quy trình hoàn thuế theo QĐ 679 theo hình thức trực tuyến đến 63 cục thuế và 413 chi cục thuế.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn nhấn mạnh, quy trình hoàn thuế ban hành theo QĐ 905 được áp dụng hơn 10 năm. Việc triển khai hoàn thuế theo QĐ 905 cộng với những nỗ lực của cơ quan thuế các cấp đã góp phần hoàn thuế kịp thời cho NNT, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, thúc đẩy kinh tế phát triển và phục hồi, nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid vừa qua; đồng thời, vừa phải đảm bảo quản lý chặt chẽ hoàn thuế, góp phần ngăn chặn gian lận về hoàn thuế, đặc biệt là hoàn thuế GTGT.

Bên cạnh các kết quả đạt được, ngành thuế đang đứng trước một thực tế là công tác giải quyết hoàn thuế hiện đang có tình trạng chậm muộn dẫn đến phản ánh bức xúc của DN và một số Hiệp hội mà các cơ quan báo chí, truyền thông đã đưa tin. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 470 ngày 26/5/2023, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng đã có các văn bản chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế cho DN. Quy trình hoàn thuế là một trong các giải pháp để các cục thuế, chi cục thuế khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác hoàn thuế, bao gồm cả công tác hoàn thuế GTGT, TNCN và hoàn nộp thừa.

Để đổi mới công tác hoàn thuế phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới trong công cuộc chuyển đổi số, gắn công tác quản lý hoàn thuế với ứng dụng công nghệ thông tin và dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành. Tổng cục Thuế ký ban hành QĐ 679 về việc ban hành Quy trình hoàn thuế thay thế Quy trình ban hành kèm theo QĐ 905.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, quy trình hoàn thuế theo QĐ 679 có 45 điểm mới so với quy trình 905, trong đó, có 11 điểm mới bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế đã được sửa đổi bổ sung tương ứng với 34 điểm mới về hoàn thuế đã được quy định tại Luật Quản lý thuế số 38 và Thông tư 80 so với trước đây. Trong đó, một số điểm mới quan trọng là:

Thứ nhất: quy trình đã loại bỏ các quy định về trình tự, thủ tục và các biện pháp nghiệp vụ ra khỏi quy trình, các nội dung này chỉ được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, cán bộ khi thực hiện quy trình phải tham chiếu quy định tại Luật quản lý thuế, Luật Thuế và Thông tư hướng dẫn để thực hiện.

Thứ hai: Việc phân loại hồ sơ hoàn thuế sẽ được thực hiện tự động trên ứng dụng.  Tổng cục đã giao cho Ban Quản lý rủi ro chủ trì, các Vụ thuộc Tổng cục Thuế phối hợp để đảm bảo kể từ tháng 9/2023, áp dụng việc phân loại hồ sơ hoàn thuế tự động trên ứng dụng. Trong thời gian chưa áp dụng ứng dụng tự động phân tích dữ liệu và quản lý rủi ro để phân loại hồ sơ hoàn thuế thì việc phân loại hồ sơ hoàn thuế Giá trị gia tăng vẫn do Bộ phận kê khai & kế toán thuế thực hiện. Tuy nhiên cần có sự điều chỉnh linh hoạt, trong đó đồng chí Cục trưởng Cục Thuế, căn cứ nguồn lực và đặc thù công tác quản lý thuế trên địa bàn, sẽ có phân công để đảm bảo quá trình phân loại phù hợp. Trong quá trình phân loại nếu có phát sinh các trường hợp rủi to cần báo cáo ngay với các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế để kịp thời giải quyết.

 Các bộ phận Thanh tra, kiểm tra phối hợp với bộ phận kê khai & kế toán thuế đánh giá rủi ro của DN được phân công quản lý để làm căn cứ phân loại hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước hay kiểm tra trước hoàn thuế. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế TNCN thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế với trường hợp quyết toán thuế TNCN của NNT là cá nhân, tổ chức trực tiếp quyết toán thuế TNCN có đề nghị hoàn thuế.

Thứ ba: quy trình hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo từng trường hợp hoàn cụ thể trên cơ sở điểm mới về hồ sơ hoàn thuế theo từng trường hợp hoàn thuế quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Quy trình cũng bổ sung hướng dẫn về kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện chấp nhận và phân loại hồ sơ hoàn thuế, theo đó, ứng dụng sẽ hỗ trợ tự động đối chiếu theo trường hợp hoàn và đối tượng hoàn thuế. Hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận, chấp nhận, xử lý văn bản đề nghị hủy hồ sơ đề nghị hoàn, hồ sơ giải trình, bổ sung thông tin tài liệu của NNT để cơ quan thuế làm căn cứ cho việc giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế.

Thứ tư: Quy trình hướng dẫn về việc xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế trong trường hợp hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế: Theo đó, đặt ra các nguyên tắc đối chiếu hồ sơ hoàn thuế trên cơ sở hỗ trợ tối đa của ứng dụng để xác định đối tượng và trường hợp được hoàn thuế. Tập trung vào việc phân tích hồ sơ, xác định điều kiện được hoàn, đi sâu vào bản chất của số thuế đề nghị hoàn với các nội dung đối chiếu trong trường hợp hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước. Trường hợp hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thì phân hệ hoàn thuế tự động cập nhật trạng thái hồ sơ hoàn thuế, đồng bộ với ứng dụng TTR và Nhật ký thanh kiểm tra, thông tin kiểm tra, đối chiếu hồ sơ hoàn thuế tại trụ sở NNT được thực hiện theo quy trình kiểm tra.

Thứ năm: Quy trình quy định việc tiếp nhận đề nghị thẩm định, thực hiện thẩm định hồ sơ hoàn thuế và xử lý kết quả thẩm định hồ sơ hoàn thuế.

Thứ sáu: Việc quyết định hoàn, chi hoàn thuế, trả kết quả giải quyết hoàn cho người nộp thuế được thực hiện điện tử trên ứng dụng. 

Thứ bảy: Quy trình có sự kết nối đồng bộ giữa các quy trình quản lý thuế khác có liên quan trên cơ sở ứng dụng quản lý rủi ro, ứng dụng thanh tra, kiểm tra, ứng dụng KTNB trong công tác giải quyết hoàn thuế.

Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn cũng yêu cầu lãnh đạo các cục chỉ đạo các phòng, chi cục và các bộ phận có liên quan tập trung nghiên cứu kỹ quy trình, các văn bản pháp luật có liên quan để quy trình 679 vận hành hiệu lực, hiệu quả./.

Nguồn: www.thuenhanuoc.vn

----

Your comment