Bộ Tài chính khẳng định, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN (áp dụng cho các quốc gia thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam) từ 20% xuống 10% đối với xăng, mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc giảm giá, nhưng quan trọng hơn là góp phần đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung thế giới biến động và thiếu hụt.
Giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10%
Ngày 9/8/2022, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP (Nghị định 51) sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Theo đó, Nghị định số 51 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế đã quy định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.
Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định này cho biết, việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu MFN theo phương án này vẫn đảm bảo có được dư địa để đàm phán các FTA mới trong tương lai và không làm phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế. Nghị định 51 nhằm hướng đến các mục tiêu góp phần kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đa dạng hóa nguồn cung và bình ổn thị trường trong nước trong bối cảnh giá dầu thô tăng cao, thị trường thế giới có nhiều biến động. Đồng thời, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau dịch Covid-19, cũng như tránh bị động về nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường trong nước.
Việc giảm thuế nhập khẩu này cũng tuân thủ các nguyên tắc về ban hành biểu thuế, thuế suất quy định tại Điều 10 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 và phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo duy trì được dư địa cho việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới trong tương lai trên cơ sở nguyên tắc công bằng, có đi có lại; đảm bảo không phát sinh nghĩa vụ của Việt Nam trong các cam kết quốc tế.
Đa dạng hóa nguồn cung đảm bảo an ninh năng lượng
Xung quanh việc giảm giá xăng dầu nhập khẩu lần này cũng có ý kiến cho rằng không có tác động nhiều đến giá thành trong nước. Về vấn đề này, ngay tại dự thảo tờ trình Chính phủ trước khi ban hành Nghị định 51, Bộ Tài chính đã đưa ra đánh giá, việc điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với xăng mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc giảm giá nước do mặt hàng này hiện nay khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc, nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, Nam Mỹ…, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thế giới biến động và thiếu hụt.
Thực tế cho thấy, xăng dầu nước ta được cung ứng từ hai nguồn là nhập khẩu và sản xuất trong nước. Trong đó, xăng dầu sản xuất trong nước chiếm từ 70% - 75% tổng nguồn cung. So với thời điểm trước khi Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức hoạt động, thì tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu đã giảm đáng kể. Quý II/2022, tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu chiếm trung bình 28,65% trong tổng cơ cấu tiêu thụ trong nước. Các mặt hàng này đa số được nhập khẩu từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do FTA với nước ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do một số nguyên nhân sản lượng xăng dầu thành phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thấp hơn dự kiến, nên nước ta phải gia tăng nhập khẩu. Dự báo thời gian tới, giá dầu thô có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Trong nước, nguồn cung cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của thị trường thế giới và nguồn cung ứng không ổn định của Nhà máy hóa học dầu Nghi Sơn. Trong khi xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu, tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội của người dân, ổn định kinh tế vĩ mô. Việc gián đoạn và thiếu hụt nguồn cung xăng dầu còn có thể gây đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội. Trước diễn biến phức tạp của nguồn cung trên thị trường, bên cạnh việc thực hiện các giải pháp điều hành để ổn định giá xăng dầu đã thực hiện, Bộ Tài chính thấy rằng cần phải có những giải pháp kịp thời để đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tránh sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống như hiện nay.
Mặt khác, liên quan đến vấn đề thuế suất nhập khẩu áp dụng cho xăng dầu, Việt Nam đang áp dụng ba loại: thuế suất ưu đãi đặc biệt (áp dụng cho các quốc gia có ký kết FTA với nước ta) là 8% với xăng và 0% với dầu; thuế suất ưu đãi MFN có mức 20% (xăng và hiện đã được giảm về 10% theo Nghị định 51) và 7% (dầu); thuế suất thông thường (áp dụng cho các quốc gia còn lại). Xăng dầu nhập khẩu hiện nay chủ yếu đến từ các quốc gia đã ký kết FTA với nước ta (Hàn Quốc, các nước ASEAN,...) theo mức 8% (xăng) và 0% (dầu). Với mức chênh lệch khá lớn giữa thuế suất MFN và thuế suất FTA, tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu theo mức thuế suất MFN không đáng kể. Vì vậy việc đề nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu MFN với xăng xuống bằng mức của các FTA là khó có thể thực hiện. Bởi thuế nhập khẩu MFN với xăng dầu phải đảm bảo không thấp hơn 7% để không phát sinh khoản thanh toán bù giá cho Nhà máy lọc hóa dầu Nghi sơn theo cam kết GGU, cũng như không làm thu hẹp dư địa đàm phán các FTA mới theo nguyên tắc có đi có lại.
Như vậy, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu từ 20% xuống 10% theo Nghị định 51 là cần thiết, khả thi và có hiệu quả bối cảnh hiện nay.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
----