Bộ Tài chính cho biết, cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung đến hết 31/12/2022 và điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, Bộ Tài chính đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế TTĐB đối với xăng và giảm thuế GTGT đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng này cũng như hỗ trợ người dân, DN phục hồi và phát triển kinh tế.
Kinh nghiệm quốc tế điều chỉnh thuế đối với xăng dầu
Qua nghiên cứu phản ứng chính sách của các nước cho thấy, để giảm thiểu tác động tiêu cực do giá xăng dầu tăng cao, các nước đã thực hiện điều chỉnh chính sách thuế tùy thuộc vào bối cảnh cụ thể. Đối với biện pháp thuế GTGT, tại Bỉ thực hiện giảm thuế GTGT khí đốt xuống 6% từ ngày 1/4/2022 đến ngày 30/9/2022. Trong khi đó tại Croatia thực hiện giảm thuế GTGT đối với khí đốt và nhiệt từ 25% xuống 13%. Ba Lan giảm thuế suất thuế GTGT đối với xăng và dầu diesel giảm từ 23% xuống 8% trong 6 tháng từ ngày 1/2/2022);...
Đối với việc giảm thuế TTĐB cũng được một số nước triển khai. Tại Australia đã giảm 50% thuế TTĐB đối với nhiên liệu từ 0h ngày 29/3/2022 đến ngày 28/9/2022. Còn tại Thái Lan giảm 3 bạt/lít thuế TTĐB đối với xăng từ ngày 18/2/2022 đến ngày 20/5/2022 và giảm 5 bạt/lít thuế TTĐB đối với dầu diesel từ 20/5/2022 đến ngày 20/7/2022. Hà Lan giảm thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel xuống 21% và Ai Len giảm thuế TTĐB đối với xăng và dầu diesel lần lượt là 20 cent/lít và 15 cent/lít...
Ngoài các biện pháp ứng phó về thuế, một số quốc gia đưa ra biện pháp trợ giá năng lượng khi giá năng lượng tăng cao. Biện pháp này như một khoản trợ cấp từ NSNN cho DN chịu ảnh hưởng do chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao và người dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi đó, một số quốc gia đưa ra gói hỗ trợ các hộ gia đình bị tổn thương thông qua giải pháp hỗ trợ bằng tiền mặt như Đan Mạch, Đức, Na Uy, Anh… Hay triển khai gói hỗ trợ các DN, nhà buôn bán dầu như tại Nhật Bản.
Trên thế giới, hầu hết các nước cũng thực hiện thu thuế TTĐB đối với xăng, ví dụ tại Pháp thu 0,6629 EUR/lít đối với xăng E10 và 0,6829 EUR/lít đối với xăng khoáng, còn Đức thu 0,6545 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua dưới 10mg/kg, 0,6698 EUR/lít đối với xăng có hàm lượng sunfua trên 10mg/kg... Tại các nước Đông Nam Á cũng thu TTĐB đối với xăng. Đơn cử tại Campuchia thuế TTĐB đối với xăng ở mức 25%; Thái Lan thu 6,50 bạt/lít đối với xăng khoáng, 5,85 bạt/lít đối với xăng 95 E10, 5,2 bạt/lít xăng 95 E20, 0,975 bạt/lít đối với xăng 95 E85, 3,2 bạt/lít đối với dầu diesel; Singgapo thu 0,41 Đô la Sing-ga-po/lít; Lào thu thuế suất TTĐB là 39%.
Còn tại Việt Nam, theo quy định của Luật thuế TTĐB thì chỉ thu thuế TTĐB đối với xăng, không thu thuế TTĐB đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Thuế TTĐB là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia,...), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hoá thạch) hoặc hàng hoá, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Hiện, mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng hiện ở mức trung bình thấp so với các nước. Mặt khác, Luật thuế TTĐB đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999. Quy định này là phù hợp với mục tiêu thu thuế TTĐB và phù hợp với thông lệ quốc tế. Mặt khác, hiện nay chỉ có mặt hàng xăng là chịu thuế TTĐB.
Bộ Tài chính liên tục đề xuất điều chỉnh biện pháp thuế
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trước giá xăng dầu tăng cao, cùng với các nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ các biện pháp, Bộ Tài chính liên tục có đề xuất trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh thuế BVMT đối với xăng dầu. Gần đây nhất, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về việc giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu và mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế. Cụ thể, tại dự thảo tờ trình gửi Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung. Theo đó, đề xuất giảm thuế BVMT đối với xăng từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờngiảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg. Riêng với dầu hỏa, Bộ Tài chính đề nghị giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Theo tính toán, rường hợp giá xăng dầu thành phẩm thế giới không thay đổi so với kỳ điều hành ngày 13/6/2022, với việc giảm mức thuế BVMT như đề xuất sẽ góp phần làm giảm giá bán lẻ xăng (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng 1.100 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu nhờn (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) giảm tương ứng là 550 đồng/lít; giảm giá bán lẻ dầu mazut (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) tương ứng là 770 đồng/lít; dầu mazut (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) giảm tương ứng là 770 đồng/kg.
Tuy nhiên, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới nên mức giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể sẽ phụ thuộc vào tình hình biến động của giá xăng dầu thành phẩm thế giới.
Do là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế BVMT sẽ được chuyển vào giá thành sản phẩm, hàng hóa và người tiêu dùng sẽ phải chịu thuế BVMT. Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT trong bối cảnh giá đang ở mức cao được xem là giải pháp hiệu quả để giảm chi phí thuế trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu, từ đó có tác động tức thì trong việc giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Mặt khác, để đa dạng hóa nguồn cung xăng, tránh bị động bởi phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Hàn Quốc và ASEAN, đồng thời đảm bảo mức chênh lệch phù hợp với mức thuế suất theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Dự thảo đang được gửi xin ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, DN. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng từ mức 20% xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN). Đối với mặt hàng dầu hiện đang áp dụng mức thuế suất MFN là 7% đã đảm bảo phù hợp với cam kết quốc tế.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù việc điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với xăng mặc dù có thể không tác động nhiều đến việc làm giảm giá xăng trong nước nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia khu vực Trung Đông, tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến.
Nguồn: www.thuenhanuoc.vn
-----